Cách làm đệm lót sinh học giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn
I. LỢI ÍCH CỦA VIỆC SỬ DỤNG ĐỆM LÓT SINH HỌC
Lợn con nuôi trên đệm lót sẽ khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt. Lợn nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông da bóng mượt và sạch, thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh.

1. Làm tiêu phân do đó mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt không ô nhiễm. Từ đó cải thiện môi trường sống cho người lao động và tạo cơ hội có thể phát triển chăn nuôi nơi khu dân cư.
2. Không cần thay phân và rửa chuồng trong quá trình nuôi do đó giảm nhân công, lượng nước và lượng điện dùng.
3. Giảm tỷ lệ bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy lợn con. Vì vậy giảm công và chi phí thuốc.
4 . Tăng chất lượng đàn lợn và chất lượng của sản phẩm.
5. Hạch toán chung người chăn nuôi sẽ lợi:
– Môi trường không ô nhiễm.
– Giảm được công việc nặng nhọc trong việc thường xuyên vệ sinh chuồng.
– Chi phí chung sẽ ít hơn nên thu nhập tăng lên.
Vậy đệm lót sinh học (đệm lót lên men hay đệm lót sinh thái) là gì?
Đệm lót sinh học là đệm lót trên nền chuồng chăn nuôi. Đệm lót này hiện đang được khuyến cáo là trấu và mùn cưa. Trấu và mùn cưa được đưa vào nền chuồng nuôi, sau đó được rải lên trên mặt một lớp hệ men vi sinh vật có ích. Hệ vi sinh vật này có tác dụng chủ yếu:
– Phân giải phân, nước tiểu do vật nuôi thải ra, hạn chế sinh khí hôi, thối;
– Ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối;
– Phân giải một phần mùn cưa;
– Giữ ấm cho vật nuôi do đệm lót luôn luôn ấm bởi nhiệt từ hoạt động của hệ men vi sinh vật.
Các kết quả nghiên cứu và thực tiễn chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cho thấy:
– Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 80% nước trong chăn nuôi vì:
+ Không sử dụng nước rửa chuồng;
+ Không sử dụng nước để tắm, rửa cho vật nuôi;
+ Nước sử dụng duy nhất cho vật nuôi uống và phun giữ độ ẩm cho nền chuồng (đệm lót chuồng luôn có độ ẩm 30%).
– Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 60% nhân lực vì:
+ Không sử dụng nhân lực dọn, rửa chuồng hàng ngày;
+ Không sử dụng nhân lực để tắm rửa cho vật nuôi;
+ Chỉ sử dụng nhân lực để cho vật ăn, quan sát diễn biến trạng thái của vật nuôi.
– Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 10% thức ăn vì:
+ Vật nuôi không bị stress từ môi trường và hoạt động tự do;
+ Vật nuôi thu nhận được một số chất từ nền đệm lót sinh thái do sự lên men phân giải phân, nước tiểu, vỏ trấu, phụ phẩm nông nghiệp phơi khô băm nghiền nhỏ;
+ Khả năng tiêu hóa hấp thụ của vật nuôi tốt hơn do con vật ăn, hít được một số vi sinh vật có lợi, vật hoạt động nhiều hơn.
– Đệm lót sinh học giúp môi trường chăn nuôi không bị ô nhiễm vì:
+ Không có chất thải từ chăn nuôi ra môi trường (phân, nước thải của vật nuôi được hệ vi sinh vật trong đệm lót phân giải thành thức ăn lẫn với đệm lót);
+ Không có mùi hôi thối từ phân, nước tiểu của vật nuôi do hệ men vi sinh vật trong chế phẩm sử dụng đã cạnh tranh và diệt hết các vi sinh vật có hại và và các vi sinh vật sinh mùi khó chịu…;
+ Hạn chế ruồi, muỗi (vì không có nước để muỗi sinh sản, không có phân để ruồi đẻ trứng).
+ Các mầm bệnh nguyên nhân lây lan dịch bệnh bị tiêu diệt hoặc hạn chế tới mức thấp nhất.
– Đệm lót sinh học giúp sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về màu, mùi, vị gần với chăn nuôi hữu cơ:
+ Vật nuôi không bị stress từ môi trường và con vật vận động nhiều;
+ Thức ăn không trộn các chất kích thích, vật nuôi không những không bị bệnh mà còn thu nhận được nhiều khoáng vitamin từ đệm lót sinh thái;
Như vậy, công nghệ chăn nuôi trên đệm lót sinh học với kỹ thuật làm chuồng, chuẩn bị đệm lót và chăm sóc vật nuôi đơn giản vì vậy người chăn nuôi Việt Nam có thể áp dụng tốt.
II. CÁCH LÀM ĐỆM LÓT SINH HỌC
– Chuồng hở, mái kép và diện tích chuồng 10 – 20 m2, thích hợp nhất là 20 m2 nuôi trên dưới 15 lợn thịt.
– Nền chuồng đất nện chặt, nếu sử dụng chuồng cũ cải tạo lại thì làm loại đệm lót nổi trên mặt, nền xi măng giữ nguyên nhưng phải đục lỗ, mỗi lỗ 4 cm, khoảng cách 2 lỗ 30 cm. Đục xuyên qua lớp bê tông đến lớp đất nền.
– Cần có hệ thống phun nước để làm mát và giữ độ ẩm đệm lót.
– Máng ăn và vòi nước tự động đặt ở 2 phía đối nhau để giúp lợn tăng sự vận động làm đảo trộn chất độn có lợi cho sự lên men.
– Máng ăn cao hơn mặt đệm lót khoảng 20 cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn.
– Cần có máng dưới vòi nước tự động để tránh nước chảy vào đệm lót.
– Tùy thuộc vào chuồng trại được cải tạo hay xây dựng mới mà thiết kế đệm lót chìm, nổi hoặc nửa nổi nửa chìm, nhưng quan trọng nhất là xem vị trí chuồng cao hay thấp so với mực nước ở bên ngoài. Phải đảm bảo đệm lót luôn khô ráo, không bị ngấm nước từ bên ngoài vào làm hỏng.
– Độ dày đệm lót 50 – 70 cm (độ dày của đệm lót thường giảm thấp do bị nén khi lên men nên lúc mới làm cần tăng thêm 20%).
– Cần chú ý bổ sung đệm lót hàng năm nếu bị sụt giảm độ dày.
– Sử dụng các nguyên liệu có độ sơ cao, không dễ bị làm mềm và có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không bị nấm mốc, không độc, không gây kích thích. Tốt nhất là vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô. Các loại này đem nghiền nhỏ 3 – 5 mm. Trấu cũng dùng được nhưng chỉ nên chiếm 50% tổng khối lượng. Có thể dùng mùn cưa ( Chú ý mùn cưa và vỏ bào có thể gây ngộ độc và kích ứng cho vật nuôi vì loại này làm từ cây gỗ độc và có nấm mốc. Đã có nhiều vật nuôi bị ngộ độc.)
Cách làm đệm lót sinh học thế nào cho đúng Kỹ thuật ?: Thực hiện chuồng 20 m2, đệm dày 60 cm.
– Nguyên liệu gồm:
+ Vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô đã nghiền nhỏ 3 – 5mm và 50% trấu: 12 m3 (số lượng đảm bảo rải đủ độ dày 60 cm).
+ Bột ngô: 15 kg;
+ Chế phẩm BALASA-N01: 2 kg.
Cách làm đệm lót sinh học – Các bước tiến hành:
Chế 200 lít dịch men:
Cho 1 kg chế phẩm BALASA-N01 và 10 kg bột ngô vào thùng, thêm 200 lít nước sạch, Nước sạch phải đảm bảo tinh khiết, ( Nếu dùng nước máy phải loại bỏ các hóa chất khử trùng (Chlorine ) có trong nước máy trước khi sử dụng). Hỗn hợp này được khuấy đều, đậy kín, để ở chỗ ấm ủ trên 24h là có thể dùng được, mùa đông có thể kéo dài đến 48h. Chú ý Dịch men này phải làm trước 1-2 ngày.
Chế men từ bột ngô:
– Trước khi bắt đầu làm đệm lót 5-7 giờ: Lấy 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5 kg bột ngô, trộn ẩm đều sau đó để ở chỗ ấm.
* Các bước làm đệm lót sinh học:
Bước 1: Rải lớp trấu đã chuẩn bị với độ dầy dày 30 cm.
Bước 2: Nếu dùng nước máy phải loại bỏ các hóa chất khử trùng (Chlorine ) có trong nước máy trước khi sử dụng . Dùng vòi phun mưa lên lớp trấu 30cm đã làm ở bước 1, dùng cào đảo để cho trấu ẩm đều và làm phẳng mặt cho đến khi đạt độ ẩm 40% (bốc một nắm trấu trên tay quan sát thấy trấu thấm nước, bóp chặt không thấy nước chỉ làm ẩm tay nhưng kẽ tay không có nước chảy ra, nắm trấu ẩm không bị tơi rời khi mở tay ra.).
Bước 3: Phun, tưới đều 100 lít dịch men lên lớp trấu, sau đó rải đều một nửa bã ngô có trong dịch men lên trên mặt lớp trấu.
Bước 4: Tiếp tục rải nguyên liệu (Vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô đã nghiền nhỏ 3 – 5mm, dày 30 cm) lên trên lớp trấu.
Bước 5: Phun nước sạch đều lên trên mặt lớp nguyên liệu, dùng cào đảo để cho cho nguyên liệu ẩm đều đến khi đạt độ ẩm khoảng 20% (nguyên liệu thấm nước trở nên sẫm mầu, lấy một nắm nguyên liệu bóp mạnh có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay nhưng hạt nguyên liệu vẫn tơi rời).
Bước 6: Rải đều 5 kg men bột ngô đã xử lý lên trên mặt lớp nguyên liệu.
Bước 7: Tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp nguyên liệu, tiếp tục rắc đều hết phần bã ngô có trong dịch men còn lại lên mặt lớp nguyên liệu.
Bước 8: Làm phẳng đều toàn bộ bề mặt lớp nguyên liệu.
Bước 9: Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc bằng ni-lon.Và quá trình lên men vi sinh vật sẽ bắt đầu được thực hiện.
Chú ý:
– Trong 1-2 ngày đầu đã lên men mạnh đạt nhiệt độ trên 40oC, dưới độ sâu 30 cm có thể đạt nhiệt độ 70oC nhưng duy trì trong thời gian ngắn.
– Sau vài ngày nhiệt độ hạ dần. Bới sâu xuống 30 cm nhiệt độ khoảng 40oC, không còn mùi nguyên liệu, có mùi thơm rượu nhẹ đặc trưng là đệm lót có chất lượng tốt.
– Sau khi lên men kết thúc: bỏ bạt phủ, cào lớp bề mặt (sâu khoảng 20 cm) cho tơi, để thông khí sau 1 ngày mới thả lợn.
III. NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ TRONG SỬ DỤNG VÀ BẢO DƯỠNG
Một đệm lót làm tốt có thể sử dụng khoảng 5 – 6 năm nếu sử dụng và bảo dưỡng tốt.
1. Đưa lợn vào chuồng
Trước khi thả có thể nhặt phân lợn từ đàn cần thả bỏ vào rải rác một số nơi trên đệm lót để không tạo cho lợn có thói quen thải phân một chỗ.
Mật độ: lợn lớn 1,2 m2/con, lợn nhỏ 0,8 – 1 m2/con. Qua nghiên cứu nhận thấy với mật độ như trên sẽ đảm bảo sự tiêu hủy hết phân và kéo dài được tuổi thọ của đệm lót.
2. Vấn đề quản lý và bảo dưỡng đệm lót
– Phải đảm bảo độ ẩm của đệm lót:
Tầng trên cùng luôn giữ độ ẩm ở 20% để đảm bảo cho sự lên men tiêu hủy phân tốt (Nắm trên tay có cảm giác mùn cưa thấm đều nước, quan sát thấy có mầu thẫm hơn so với khi khô là đạt độ ẩm 20%).
Ở độ ẩm 20% này lợn sống thoải mái, không cảm thấy khó chịu, da được bảo vệ tốt ít bị ban đỏ nổi mẩn ngứa như nuôi trên nền xi măng. Do đó để đảm bảo cho tầng trên đệm lót không khô hoặc ẩm quá cần:
+ Đặc biệt tránh cho chuồng bị hắt nước mưa và nước từ vòi uống làm ướt đệm lót. Khi đệm lót bị ướt cần bổ xung chất độn lót khô.
+ Khi thấy đệm lót bị khô cần phun ẩm bằng vòi phun sương.